HỘI THẢO SINH HOẠT TỔ CHUYÊN MÔN

HỘI THẢO SINH HOẠT TỔ CHUYÊN MÔN
THEO CÔNG VĂN HƯỚNG DẪN SỐ 1067/SGDĐT- GDTH,NGÀY 08/8/2016 CỦA SỞ GD- ĐT ĐỒNG THÁP VỀ SINH HOẠT TỔ CHUYÊN MÔN TỪ NĂM HỌC 2016- 2017

Sinh hoạt chuyên môn (SHCM) là một hoạt động nằm trong tổ chức giáo dục của các nhà trường nhằm nâng cao chất lượng dạy học, đảm bảo cho giáo viên được trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng như đổi mới công tác dạy học. Trường Tiểu học Đốc Binh Kiều 1 đã tổ chức hội thảo sinh hoạt tổ chuyên môn theo công văn 1067 của Sở GD- ĐT Đồng Tháp.

 

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là một trong những đổi mới mà ở đó giáo viên cùng nhau học tập từ thực tế việc học của học sinh. Ở đó, giáo viên cùng nhau thiết kế kế hoạch bài học, cùng dự giờ, quan sát, suy ngẫm và chia sẻ (tập trung chủ yếu vào việc học của học sinh) bài học. Đồng thời đưa ra những nhận xét về sự tác động của lời giảng, các câu hỏi, các nhiệm vụ học tập mà giáo viên đưa ra,… có ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Trên cơ sở đó, giáo viên được chia sẻ, học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học vào bài học hằng ngày một cách hiệu quả.

Các tổ chuyên môn Trường Tiểu học Đốc Binh Kiều 1 luôn duy trì thực hiện tốt sinh hoạt chuyên môn theo hướng dẫn số 1067 của Sở GD- ĐT Đồng Tháp với các mục tiêu hướng đến:
– Nâng cao năng lực quản lí và năng lực chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý;
– Giúp cho CBQL, GV biết chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng các chuyên đề dạy học trong mỗi môn học và các chuyên đề tích hợp, liên môn phù hợp với việc tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh;
– Đổi mới nhận thức về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng dạy học tích cực, hướng vào hoạt động học của học sinh. Đảm bảo cơ hội học tập, góp phần phát triển năng lực cho mọi học sinh;
– Bồi dưỡng giúp giáo viên nắm vững quan điểm, phương pháp, kĩ thuật dạy học, chủ động điều chỉnh nội dung SGK, tài liệu hướng dẫn học tập/hướng dẫn hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh và quá trình tổ chức hoạt động học tập;
– Xây dựng và phát triển quan hệ đồng nghiệp thân thiện, tôn trọng theo hướng hợp tác, hỗ trợ và dân chủ; đảm bảo cơ hội phát triển chuyên môn cho mọi giáo viên;

Tổ chức mô hình chuyên môn mới để đảm bảo cơ hội học tập thực sự, có ý nghĩa cho tất cả học sinh và phát triển chuyên môn cho mọi giáo viên; góp phần thay đổi văn hoá nhà trường.
Đảm bảo cơ hội học tập thực sự có ý nghĩa cho tất cả học sinh có nghĩa là: Học sinh đã học chưa? Học sinh học như thế nào? Tại sao các em học như vậy? Việc học đó có ý nghĩa không? Việc học thực sự của học sinh thể hiện trên đối tượng học sinh: hoàn thành tốt, hoàn thành hay chưa hoàn thành, học sinh hoàn thành tốt học như thế nào? Học sinh hoàn thành học như thế nào? (Học sinh hoàn thành tốt không có nghĩa là giáo viên cho học sinh làm thêm nhiều bài hoặc làm bài khó mà giáo viên huấn luyện để học sinh hoàn thành tốt có thể giúp bạn học, biết dạy cho bạn khác học…) để tất cả các học sinh đều vui vẻ học.
Phát triển chuyên môn cho mọi giáo viên nghĩa là giáo viên học các năng lực mới như: Quan sát tinh tế, nhanh nhạy việc học của học sinh và linh hoạt điều chỉnh dạy học cho phù hợp với từng đối tượng và diễn biến của tiết học. Đồng thời biết thiết kế lại kế hoạch bài học và giáo viên biết cách tự học với tư cách của chuyên gia.

Qua quá trình thực hiện SHCM theo hướng dẫn số 1067 đã giúp cho giáo viên tăng thêm tình đoàn kết, thân thiện, tăng cường khả năng quan sát, biết cách phân tích tiết học một cách sát thực, chính xác. Đồng thời giúp giáo viên tích lũy thêm nhiều bài học trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Đặc biệt, học sinh được chú ý nhiều hơn về phát triển năng lực và phẩm chất./.
Ngô Thị Phương Tuyền

Trả lời